Hoa thược dược là một trong những loài hoa đẹp nhất. Các cụ có câu “nhất lay ơn nhì thược dược” như là một cách để tôn vinh vẻ đẹp của loài hoa độc đáo này. Đối với những ai yêu thích trồng cây cảnh thì việc có một cây thược dược trong khu vườn sẽ tô điểm rất nhiều cho cảnh quan ngôi nhà.
Bài viết dưới đây Omgarden sẽ hướng dẫn cho bạn đọc cách trồng hoa thược dược vào mùa hè nhé.
Hoa thược dược nở vào lúc nào?
Hầu hết những cây thược dược sẽ nở hoa trong khoảng 90 ngày kể từ khi trồng.
Những cây hoa thược dược lùn sẽ nở sớm hơn, tầm 75 ngày là nở hoa.
Những cây thược dược kích cỡ hoa to hơn (tầm 20cm trở lên) sẽ mất khoảng 120 ngày từ lúc trồng cho tới khi ra hoa.
Thời tiết càng lạnh khi hoa thược dược nở hoa càng đẹp. Nhìn chung thời gian mà hoa thược dược nở hoa cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thời tiết, cách tưới nước và bón phân, chăm sóc tổng thể ra sao,…
Hướng dẫn tưới cây hoa thược dược vào mùa hè
Rất nhiều cây hoa thược dược không phát triển và nở hoa đúng cách do một nguyên nhân đơn giản thôi, đó là không tưới nước đúng cách.
Tưới nước cho hoa thược dược quan trọng nhất là phải tưới đẫm nước (phần nước phải sâu 20-25cm) để rễ cây dễ dàng hút nước khi chúng ngoi lên trên mặt đất. Nếu đặt cây ở khu vực ấm áp, khô ráo và có nhiều ánh sáng chỉ cần tưới 1 lần/tuần cho tới khi cây thược dược bắt đầu mọc lên.
Khi hoa thược dược bắt đầu ngoi lên từ mặt đất và phát triển, bạn cần phải tưới đẫm nước 3-4 lần/tuần trong mùa hè. Nếu trồng trong chậu hoặc thùng bạn cần phải tưới đẫm 1-2 lần/ngày cho tới khi nhìn thấy nước rút hết khỏi đáy chậu.
Tưới nước cho hoa thược dược quan trọng là bạn phải tưới nước thật đẫm để làm sao nước đến được với rễ cây. Do vậy nên tưới cho hoa thược dược bằng vòi phun hoặc các ống tưới nhỏ giọt tự thẩm thấu, nếu tưới bằng tay thật sự không ăn thua.
Khí hậu cũng ảnh hưởng rất nhiều tới lượng nước mà bạn cần tưới cho thược dược. Dù thời tiết như thế nào thì hoa thược dược vẫn luôn cần phải được đẫm nước để sinh trưởng và ra hoa. Lâu dài khi đã quen với nhịp sinh trưởng của cây hoa thược dược thì bạn có thể điều chỉnh lịch tưới nước thuận theo thời tiết và nhu cầu của cây.
Cách bón phân cho hoa thược dược
Sử dụng phân bón có hàm lượng Nitơ thấp
Phân bón có hàm lượng Nitơ thấp sẽ giúp cho cây thược dược được nở hoa.
Với cây hoa thược dược thường sẽ có 2 lựa chọn: một là dùng phân bò đã qua chế biến/đóng bao, hai là sử dụng phân bón cây cảnh. Nên kết hợp cả hai cho cây phát triển khỏe.
Đối với phân bón hàm lượng Nitơ thấp bạn cũng nên check thành phần phải có tỷ lệ Kali và Phốt pho cao hơn Nito. Nguyên tắc khi đi tìm loại phân bón kiểu này đó là hàm lượng của Nito chỉ bằng 1/2 những thành phần còn lại.
Sau khi trồng cây hoa thược dược được 30 ngày thì bạn sẽ bón phân lần đầu tiên, lặp lại 3-4 tuần/lần trong suốt quá trình phát triển. Nếu trồng trong thùng chậu thì nên bón 2-3 tuần/lần. Trường hợp thời tiết mà quá nóng hoặc cây lỡ bị dính sâu bệnh bạn cần phải bón thường xuyên hơn.
Sử dụng phân bò
Phân bò là thứ dưỡng chất tuyệt vời cho cây hoa thược dược phát triển. Nếu bón bằng phân bò thì bón lúc nào cũng được, trước hoặc sau khi trồng đều rất tốt. Ngoài việc cung cấp dinh dưỡng cho đất thì nó còn khiến cho màu đất sáng hơn, làm tăng vẻ thẩm mỹ.
Bón bằng phân bò bạn nên sử dụng loại phân đã được xử lý và đóng bao. Chỉ nên dùng phân bò chứ không xài các loại phân động vật khác vì chúng có quá nhiều dinh dưỡng, dễ khiến cho củ thược dược bị cháy.
Muốn cấp dinh dưỡng cho đất trồng thược dược bạn có thể bón phân bò sẵn vào mùa thu, giúp cho phân có thời gian phân hủy trước khi trồng hoa thược dược vào mùa xuân.
Sử dụng phân bón Nitơ – Photpho – Kali kết hợp
Đặc điểm dễ nhận biết của những loại phân bón 3 loại kết hợp là có dãy thành phần gồm 3 số. Số đầu tiên là hàm lượng Nitơ, số thứ hai là hàm lượng Photpho và số thứ ba là hàm lượng Kali.
Loại phân bón phù hợp nhất cho cây thược dược sẽ có hàm lượng Nitơ thấp và Kali Photpho cao, do đó bạn cứ nhìn thấy loại phân bón nào có số thứ nhất bé hơn số thứ 2 và số thứ 3 thì chọn (ví dụ 2-4-4; 5-10-10; 2-15-15; 8-16-16; 6-30-30). Quan trọng hơn loại phân bón này phải có tác dụng kích thích và thúc đẩy hoa nở. Không nên xài loại phân bón của Miracle-Gro vì hầu hết đều có hàm lượng Nitơ quá cao, khiến cho thân cây yếu, hoa nhỏ hoặc nở không đều, củ dễ bị thối hoặc teo.
Sau khi trồng cây thược dược được 30 ngày thì bạn bón phân lần đầu và lặp lại 3-4 tuần/lần khi trồng dưới đất, 2-3 tuần/lần khi trồng trong thùng hoặc chậu.
Thược dược ra hoa chậm phải làm sao?
Hoa thược dược sẽ vào trạng thái “ngủ đông” nếu như không tưới nước hoặc bón phân cho nó phát triển.
Nếu như cây hoa thược dược của bạn thiếu hoa thì chúng đang cần nước, bón phân và ánh nắng chiếu trực tiếp. Để cho cây ra hoa bạn cần phải làm đúng và đủ những điều kiện sau:
- Tưới nước đẫm cho cây 3-4 lần/tuần (khi trồng dưới đất) hoặc 1-2 lần/ngày (khi trồng trong chậu)
- Bón phân bằng phân bón hàm lượng Nito thấp khoảng 3-4 tuần/lần (khi trồng dưới đất) hoặc 2-3 tuần/lần (khi trồng trong chậu)
- Cho ra ánh sáng trực tiếp 6-8 tiếng/ngày.
Trường hợp cây hoa thược dược phát triển khó khăn trong khí hậu mùa hè, hãy bón cho cây 1 liều phân hàm lượng Nitơ cao cùng với 1/2 cốc muối Epsom để kích phát triển. 2 tuần sau khi bón phân hàm lượng Nitơ cao thì bạn có thể lặp lại quá trình này nếu như cây không có gì thay đổi. Bạn cũng có thể chuyển qua dùng phân có hàm lượng Nitơ thấp và bón 3-4 tuần/lần.
Áp dụng đúng những hướng dẫn trên đây là hoa thược dược của bạn sẽ phát triển sau khoảng 10-14 ngày, quan trọng là phải tưới thật nhiều nước nhé.
Cắm cọc cho hoa thược dược
Muốn trồng cọc cho cây hoa thược dược mọc đúng form thì nên cắm cọc khi mà cây có chiều cao 90cm trở lên. Tốt nhất nên cắm cọc trong quá trình trồng vì nó sẽ tránh được những tổn thương không cần thiết cho củ cây sau này.
Cắt ngọn cây hoa thược dược
Khi cây hoa thược dược phát triển trên 90cm là bạn cần phải cắt ngọn. Việc cắt ngọn sẽ giúp ngăn không cho cây thược dược phát triển lung tung, tập trung dinh dưỡng vào hoa và lá cho cây cân đối.
Nẹp hoặc cắt ngọn chính của cây ngay phía trên bộ lá thứ 3 hoặc khi chiều cao của cây đạt khoảng 45 – 50cm. Nhìn chung bạn cần phải làm như sau:
- Tìm ngọn chính ở giữa cây
- Đếm 3 bộ lá kể từ dưới lên
- Dùng tay nẹp hoặc dùng kéo/dao cắt ngang qua ngọn chính ngay phía trên bộ lá thứ 3
- Hoặc căn cứ theo chiều cao của cây, khi cây đạt độ cao khoảng 45 – 50cm thì tiến hành cắt ngọn.
Cách thu hoạch hoa thược dược
Thời điểm tốt nhất để cắt hoa thược dược đó là vào buổi sáng trời mát, tuy nhiên bạn cũng có thể cắt bất cứ lúc nào trong ngày cũng được.
Khi chọn hoa thược dược hãy chọn những bông nở được 1/2 đến 2/3. Phần cuống nên có độ dài trên 30cm để giúp cho cây khỏe mạnh. Đối với một số giống thược dược bạn sẽ phải cắt nhiều nụ hoa chưa nở để có độ dài cuống hoa như mong muốn.
Tiếp đến bạn đặt cuống hoa vừa cắt vào nước nóng 70-80 độ C (nóng như không sôi) đựng trong thùng kim loại hoặc thùng nhựa, để yên khoảng 1 tiếng cho tới khi nước nguội dần (tránh xài thủng thủy tinh làm nước nguội quá nhanh). Cần đảm bảo phần đầu hoa nổi trên mặt nước để hơi nước không làm cháy cánh hoa.
Phương pháp này được gọi là phương pháp xử lý nước nóng 1 lần, giúp cho hoa thược dược tươi và kéo dài tuổi thọ lên đến 4-6 ngày hoặc hơn. Sau khi ngâm xong phần cuống hoa sẽ có màu khác đi 1 chút. Bạn có thể cắt phần cuống cho ngắn đi tùy ý miễn để trong nước mát là được. Nên thay nước trong bình hoa hàng ngày, tránh cho lá rơi vào trong nước vì sẽ sinh ra vi khuẩn làm cho hoa nhanh tàn.
Ngoài ra khi chăm hoa thược dược bạn cũng nên loại bỏ các bông héo và cắt tỉa cẩn thận để kích thích ra nhiều hoa, cây cũng khỏe mạnh hơn nữa. Cắt càng nhiều thì cây lại càng mọc ra nhiều hoa thôi.
Phòng ngừa cỏ dại
Đối với cỏ dại bạn chỉ nên nhổ bằng tay, thật sự cũng không có cách nào khác nữa. Trồng hoa thược dược tuyệt đối không xài thuốc diệt cỏ hoặc thuộc phòng ngừa cỏ dại. Phải có cỏ dại mọc xung quanh thì hoa thược dược mới phát triển tốt.
Nếu như tình trạng cỏ dại mọc quá nhiều và không xử lý bằng tay hết được, bạn mới cần phải sử dụng thuốc ngừa cỏ. Tuy nhiên trong quá trình phun thuốc tránh tuyệt đối không để thuốc dính vào hoa thược dược hoặc lá cây. Nên sử dụng những loại thuốc trừ cỏ dại không tồn tại lâu trong đất. Nhìn chung nên nhổ bằng tay là tốt nhất hạn chế dùng thuốc.
Giá thể trồng hoa thược dược
Trồng hoa thược dược bạn có thể làm giá thể vỏ cây hoặc phủ một lớp mùn lên bề mặt, sau khi hoa thược dược mọc và nhô lên khỏi mặt đất. Lớp giá thể này phải cách phần gốc cây hoa 30cm để cho nước và chất dinh dưỡng tiếp cận được phần củ. Phần mùn trên bề mặt sẽ hút nước mà không cho nước thấm xuống rễ. Ngoài ra bạn cũng nên theo dõi độ pH của đất vì độ pH có thể thay đổi theo thời gian khi mà bạn phủ lớp mùn lên trên.
Đối với giá thể trồng hoa thược dược cần phải lưu ý:
- Chỉ áp dụng sau khi hoa thược dược mọc và nhô lên khỏi mặt đất
- Giữ cách xa phần gốc ít nhất 30cm
- Theo dõi độ pH đất thường xuyên để đảm bảo cây phát triển tốt.
Phòng ngừa sâu bệnh
Chìa khóa để cây hoa thược dược của bạn trở nên khỏe mạnh đó là phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh toàn diện nhằm ngăn chặn triệt để virus và sâu bệnh – tác nhân chính khiến cho cây thược dược của bạn không phát triển được như ý muốn.
Cũng như các loại cây cảnh khác, hoa thược dược nên được phun thuốc trừ sâu bệnh 2-3 tuần/lần trong suốt quá trình nuôi trồng và chăm sóc. Tốt nhất là khi cây cao được 30cm là bắt đầu phun được rồi.
Dưới đây là những loại sâu bệnh trên hoa thược dược mà bạn cần chú ý:
Các loại côn trùng phổ biến
Một số loại côn trùng gây hại cho hoa thược dược phổ biến gồm có: ruồi đục lá, sâu đục thân, rệp và bọ trĩ.
Để phòng ngừa bạn nên phun thuốc Bayer (BioAdvanced) 3 trong 1, Monterey Garden Insect Spray, Orthene, Dầu neem, Sevin-5, Organocide và Malathion.
Ốc sên và các loại giun ốc
Điều trị ốc sên và giun ốc là rất quan trọng trong vài tuần đầu, nhất là giai đoạn hoa bắt đầu mọc mầm. Ốc sên sẽ ăn mầm vào ban đêm trước khi bạn kịp nhìn thấy, do đó phải luôn đề phòng loài vật này.
Nên rắc thuốc diệt ốc sên sau khi trồng và tiếp tục rắc suốt trong suốt quá trình nuôi trồng. Ngay cả khi bạn nghĩ không còn con ốc nào nữa thì chúng vẫn sẽ xuất hiện vì đám ốc này có thể sống dưới mặt đất tới 150cm.
Bọ cánh cứng
Bọ cánh cứng thường bò lên cây và gặm hoa, chúng vô cùng phiền phức và phải xử lý để tránh làm mất thẩm mỹ. Để giải quyết vấn đề này bạn cần xử lý cây bằng bột hoặc thuốc phun Sevin-5, malathion hoặc các loại phun chứa pyrethrin.
Bọ cánh cứng dưa chuột
Bọ cánh cứng dưa chuột cũng giống bọ rùa nhưng có màu xanh thay vì màu đỏ. Chúng bay hàng ngày và rất khó để kiểm soát. Sở thích của bọ cánh cứng dưa chuột là gặm những bông hoa có màu nhạt như thược dược. Nếu muốn giải quyết bạn chỉ có thể bắt chúng khỏi các bông hoa.
Nhện đỏ
Nhện đỏ là loại côn trùng gây hại phổ biến và nguy hiểm nhất cho cây thược dược. Loài côn trùng này khiến cho cây bị cháy vàng ở gốc, còn xuất hiện cả đốm trên lá. Nhện đỏ hút nhựa lá khiến cho cây bị teo và nhũn đi. Hầu hết các cây sẽ bắt đầu có các đốm vàng trên lá, sau đó lá sẽ chuyển sang màu nâu tiến lên từ phần dưới và cuối cùng là làm chết cả cây.
Nhện đỏ phát triển mạnh trong thời tiết nóng. Nếu lật mặt dưới lá ở gốc cây bạn có thể thấy những vệt trắng trông giống như bụi, động vào cảm thấy ngứa thì đó đích thị là một đám nhện đỏ. Nhện đỏ rất nhỏ và khó nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng xuất hiện và phát triển mạnh khi nhiệt độ tăng, ngoài ra nhện đỏ cũng ưa độ ẩm.
Để tránh nhện đỏ tấn công cây hoa thược dược bạn nên phun phòng ngừa 60 ngày sau khi trồng và phun định kỳ trong quá trình chăm sóc cây. Nên phun thuốc diệt nhện, dầu Horticultural Monterey, Bayer (BioAdvanced) 3-1, Malathion.
Những bệnh thường gặp trên Hoa thược dược
Cho dù cây hoa thược dược có thể mắc các loại bệnh khác nhau nhưng vẫn giải quyết được bằng cách chăm sóc cây hoặc phun thuốc xịt côn trùng. Sau đây là những loại bệnh mà những ai trồng cây thược dược cần lưu ý:
Nấm mốc trắng
Nấm mốc thường xuất hiện trên cây hoa thược dược trong thời tiết ẩm ướt mùa thu. Lúc này lá sẽ bắt đầu có những lớp phấn màu trắng hoặc đốm trắng do nhiệt độ và độ ẩm không khí.
Để khắc phục tình trạng này bạn cần phải phun phòng ngừa trước vào cuối tháng 7. Sau khi trồng hoa thược dược được 60 ngày bạn nên phun phòng ngừa tiếp định kỳ khoảng 10-14 ngày/lần.
Bạn nên sử dụng các loại thuốc sau đây ngừa nấm mốc trắng: Daconil, Bayer (BioAdvanced) 3-1, Funginex, Fung-onil hoặc bất kỳ loại thuốc diệt nấm dạng dầu nào. Nếu không trị được dứt điểm nấm mốc trắng sẽ giết chết cây và lan sang củ làm hại củ luôn.
U bướu thân
U bướu thân là bệnh do vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens gây ra, xâm nhập cây qua vết thương ở rễ hoặc thân và kích thích mô cây phát triển một cách rối loạn, tạo thành các khối u nhọn hoặc giống như bông cải xơ. Vi khuẩn này xuất hiện trong đất.
Nếu bất kỳ cây hoa thược dược nào có dấu hiệu mọc u bướu thì chỉ có bỏ đi mà thôi. Ngoài ra bạn cũng nên thay đất trồng nếu phát hiện u bướu để ngăn lây lan. Nhớ khử trùng công cụ giữa các bụi củ để tránh lây chéo vi khuẩn.
Bướu lá
Bướu lá do vi khuẩn Rhodococcus fascians gây ra, xâm nhập cây thông qua vết thương ở thân và rễ của nhiều loại cây cảnh. Khi nhiễm bệnh này thì hoa thược dược sẽ xuất hiện những cụm lá biến dạng dày đặc trong rất xấu.
Nếu cây hoa thược dược nào có dấu hiệu bướu lá bạn cũng nên bỏ đi luôn, cần thiết thì thay luôn cả đất trồng. Nhớ khử trùng công cụ để tránh lây chéo.
Côn trùng gây hại chung
Côn trùng xuất hiện trên cây hoa thược dược là chuyện bình thường, phổ biến là những loại sâu đục thân, ruồi đục lá, rệp, bọ,… Bạn nên phòng ngừa sâu bệnh cho cây hơn là chờ đến khi cây bị côn trùng tấn công mới chăm.
Những loại thuốc phun ngừa côn trùng nên sử dụng bao gồm: Bayer (BioAdvanced) 3 trong 1, Monterey Garden Insect Spray, Orthene, Neem Oil, Sevin-5, Organocide hoặc Malathion.
Virus khảm (Mosaic)
Virus khảm trên hoa thược dược sẽ gây những khối biến dạng lớn trên cây. Thược dược nhiễm virus khảm có thể biểu hiện nhiều triệu chứng như lá đốm, vàng dọc theo gân lá, cây lùn/biến dạng.
Nếu ở ngọn cây thược dược vẫn đang phát triển trông bình thường thì đây là một dấu hiệu cho thấy đó chỉ là sự gây hại của sâu bệnh chứ không phải do virus khảm, nhiều người thường nhầm lẫn vấn đề này tuy nhiên cả hai nhìn chung vẫn gây hại cho cây nên cần để ý và chăm sóc kỹ.
Nên trồng hoa thược dược trên đất hay trong chậu?
Trồng hoa thược dược trong chậu hoặc thùng tất nhiên sẽ không phát triển tốt bằng việc trồng trực tiếp trên đất. Nếu bạn muốn trồng trong chậu nên trồng những giống thược dược lùn cho dễ chăm, trồng loại nào cũng nên chú ý kích thước và thể tích chậu để lựa chọn cho phù hợp.
Khi trồng hoa thược dược trong chậu cần phải đảm bảo không gian đủ rộng cho cây phát triển. Một cây hoa thược dược có thể được trồng và chăm dễ dàng trong cái chậu có kích thước 15×15. Độ sâu của chậu phải vào khoảng 30cm để giúp cây phát triển và thoát nước tốt.
Hỗn hợp đất trồng cây hoa thược dược sẽ áp dụng công thức sau: 2 phần đất vườn/1 phần potting soil (giá thể kiểng lá) hoặc full đất vườn. Nếu chỉ xài mỗi potting soil để trồng hoa thược dược thì nó lại quá thô, khô nhanh, cây phát triển và ra hoa kém. Hỗn hợp đất phải không qua xử lý hóa chất và không chứa bất cứ thành phần nào của thuốc diệt cỏ. Không nên dùng đất trồng nhiều phân đạm như Miracle-Gro, phân hữu cơ,… vì dễ làm cháy hoặc thối củ.
Khác biệt khi trồng hoa thược dược trong chậu so với trồng trên đất đó là cần phải tưới nước thì cây trong chậu mới mọc được. Sau khi trồng nên giữ cho đất ẩm nhẹ chứ không được ngập nước trong khoảng 1 tuần cho đến khi cây nảy mầm. Nếu tưới nhiều củ cây sẽ bị thối.
Khi cây thược dược ngoi lên khỏi mặt đất bạn nên tưới 1-2 lần/ngày. Sau khi đạt độ cao 30cm hãy tưới và bón phân nhiều hơn để thúc cây sinh trưởng và ra hoa. Trồng trong chậu nên bón thường xuyên hơn so với trồng trên mặt đất vì phân bón dễ bị trôi đi. Tốt nhất là nên bón 2-3 tuần/lần hoặc theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
Mình tên là Đặng Anh Mỹ – founder của Om Garden. Mình là một người yêu tự do, yêu cái đẹp và thích một cuộc sống bình yên. Nếu có dịp ghé Đà Lạt, mình xin mời các bạn ghé Om Garden để ngắm cây và uống trà nhé!